Những người sống ở khu vực xung quanh trường THSC 19-5 (Mộc Châu) kể lại rằng vào cuối giờ mỗi sáng, thường thấy một cậu bé người nhỏ thó, bò bằng cả 2 tay trên nền đất ra cổng trường ngồi đợi. Có những hôm, cậu bé ngồi đó hết cả buổi trưa nắng gắt, đến 14h-15h vẫn thấy cậu quanh quẩn bên ngoài cánh cổng trường đã khóa im lìm. Có lẽ bố mẹ cậu bé đi làm nương xa, không kịp về đón em lúc tan trường.
Cậu bé Lầu A Sáng
Ngày nắng, đôi tay non nớt của em bò trên những hòn đá nhọn bỏng rát, cạnh đá sắc cứa tay em chảy máu
Cậu bé ấy là Lầu A Sáng, tiểu khu Pa Khen 1, thị trấn Nông trường Cờ Đỏ (Mộc Châu). Từ lúc sinh ra, Sáng đã không may mắn như bao đứa trẻ khác, chân trái em bị khèo còn chân phải bị teo nhỏ, không thể đi lại bình thường. Anh Lầu A Páo, bố Sáng bảo: "Ngày trước, nhà tôi khổ quá, thiếu thốn mọi thứ, lại không có anh em, họ hàng giúp đỡ. Khi mang thai Sáng, mẹ nó phải làm việc nặng nhọc, gùi ngô, gùi dong sưng cả hai vai, vất vả nuôi 4 đứa con nhỏ. Chắc bởi vậy mà Sáng không được lớn bình thường như bao người khác". Thương con, bố mẹ đưa em xuống Bệnh viện Nhi Hà Nội chữa trị. Tại đây, các bác sĩ kết luận, Sáng có một khối u to ở đằng sau mông, gây ức chế đến sự phát triển của đôi chân nên dẫn đến tình trạng này. Năm Sáng được 8 tuổi, em được phẫu thuật cắt bỏ khối u. Ca phẫu thuật này giúp em giữ lại tính mạng nhưng đôi chân em vẫn không thể đi lại bình thường, còn bàn chân trái thỉnh thoảng lại đau buốt, bưng mủ do bị dò tủy. Bố mẹ vay mượn đưa em đi chạy chữa khắp nơi nhưng chưa bao giờ chữa khỏi vết đau cho em. Sáng lớn lên với đôi bàn chân chưa một lần được đi dép. Năm nay, Sáng được 14 tuổi, chuẩn bị bước vào lớp 8 trong năm học tới nhưng em chỉ nặng 23kg. Thân người em nhỏ nhắn trong chiếc áo phông xanh có lẽ chỉ vừa với học sinh lớp một. Bàn tay em lúc nào cũng dính đầy đất cát vì chống tay để bò trên đường, trên đất. Em trò chuyện tự nhiên, cười cũng hồn nhiên và lạc quan. Sáng nói rành tiếng phổ thông, em còn phiên dịch giúp tôi khi nói chuyện với mẹ. Nếu chỉ nhìn khuôn mặt Sáng, nghe em nói chuyện sẽ chẳng ai nghĩ em là là một người không lành lặn. Sáng kể, ngày bé, nhìn thấy anh chị cắp sách đến trường, về nhà lại ê a đọc chữ, em thích lắm nên cũng đòi bố mẹ cho em đi học. Năm đầu, nhà trường không dám nhận vì sợ em không học được. Năm sau, em lại nhất quyết đòi đi học, lần này, em được cô giáo Cương nhận vào lớp với điều kiện, cô sẽ theo dõi trong một tuần, nếu em có khả năng học, nhà trường sẽ nhận chính thức. Không phụ lòng cô giáo, chỉ sau tuần đầu tiên, Sáng đã bộc lộ rõ khả năng tiếp thu bài của mình. Ban giám hiệu trường tiểu học 19-5 đã đến tận nhà, động viên gia đình tiếp tục cho em đến lớp. Lớp học cách nhà Sáng hơn 300m, bố, mẹ và anh, chị chỉ cõng em được vài hôm đến lớp vì phải đi làm nương xa. Sáng tập bò bằng tay, cố chống vững bằng đôi chân yếu ớt, tự mình đi học để bố mẹ lên nương. 5 năm học cấp một gần như em tự bò tới lớp. Con đường nhỏ hằng ngày em đi học lổm nhổm đất đá. Ngày nắng, đôi tay non nớt của em bò trên những hòn đá nhọn bỏng rát, cạnh đá sắc cứa tay em chảy máu. Khổ nhất là những ngày mưa, mỗi lần bò về đến nhà là quần áo dính đầy bùn, sách vở cũng ướt hết, còn cặp sách chỉ vài ngày là hỏng. Đã thế, bệnh tật vẫn cứ hằng ngày hành hạ em. Cứ trở trời, đôi chân em lại đau nhức, nhất là bàn chân trái thỉnh thoảng lại bị mưng mủ mà chưa bao giờ chữa khỏi. Những lần bò đi học, lê chân trên đường, đất, sạn theo đó bám chặt vào vết bưng mủ khiến vết thương càng thêm nặng. Tháng nào cũng đôi, ba lần em phải vào viện điều trị, không tháng nào em được đến lớp trọn vẹn, đủ ngày. Nhưng em vẫn cố theo kịp các bạn trên lớp, 4 năm tiên tiến ở cấp 1 là sự nỗ lực rất lớn của bản thân em.
Không làm được những việc nặng nhọc, em ở nhà thường nấu cơm chờ bố mẹ, em lê đôi chân mình quét nhà, rửa bá...
Lên cấp hai, em phải chuyển đến học trường THCS 19-5, em không thể tự bò đi học được nữa bởi trường cách nhà những hơn 3km. Điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn nhưng hằng ngày, bố vẫn đưa đón em đi học bằng xe máy. Có những hôm bố mẹ đi làm xa, không kịp về đón em lúc tan trường, Sáng vẫn kiên nhẫn ngồi đợi đến chiều. Tôi hỏi, lúc ấy em có tủi thân không, em chỉ cười nói: "Em không khóc đâu, vì em biết bố mẹ còn phải đi làm mệt. Chỉ cần được đi học là em thấy vui rồi". Sáng còn bảo, em may mắn hơn những người tàn tật khác mà em nhìn thấy, vì em còn đôi tay, tuy chân không lành lặn nhưng vẫn tự đi lại được. Ở trường, các thầy cô ai cũng thương em, cô giáo hay cho em ngồi bàn đầu để tiện cho việc học và dễ đi lại. Những năm qua, Sáng đều được nhà trường miễn học phí, giúp em có thêm điều kiện đi học. Cô Lương Thị Hải, cô giáo chủ nhiệm lớp 7A3 của Sáng tự hào: "Sáng tuy không được lành lặn như các bạn trong lớp nhưng em rất sáng dạ, tiếp thu bài khá nhanh, đặc biệt là có ý chí ham học. Sáng học giỏi nhất môn toán, năm vừa rồi, điểm tổng kết môn toán của em được 8,1 và một điểm số rất cao của lớp em theo học". Bạn bè cùng lứa với Sáng, sau mỗi giờ học lại theo bố mẹ lên nương, trông em hay phụ bố mẹ trồng cây ngô, rẫy cỏ nương lúa. Còn em, vì đôi chân không đi lại được nên chỉ quanh quẩn trong nhà. Không làm được những việc nặng nhọc, em ở nhà thường nấu cơm chờ bố mẹ, em lê đôi chân mình quét nhà, rửa bát… chỉ mong phần nào đỡ đần cho bố mẹ. Nắm chặt đôi bàn tay vẫn còn dính đất của Sáng, nhìn những vết xước trên lòng bàn tay vẫn còn đang rỉ máu cạnh những vết sẹo mờ mờ, tôi càng khâm phục nghị lực phi thường của cậu bé người Mông trên cao nguyên Mộc Châu này. Em bò thoăn thoắt cùng bố mẹ tiễn tôi ra cổng, nụ cười hiền, đôi mắt sáng như chính tên em vẫn đọng lại mãi trong tâm trí tôi. Mong rằng sẽ có những nhà hảo tâm, sự hỗ trợ của các cấp để giúp cậu bé Lầu A Sáng được tiếp tục thực hiện ước mơ đến trường của mình.
Tác giả bài viết: Tặng Thị Đào
Nguồn tin: VnExpress |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét