Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Ép dòng nước thơm

Máy ép trái cây, rau củ không còn xa lạ gì với gia đình bạn. Những ngày nóng nực hay khi cơ thể “khát”, được bồi bổ bởi một ly nước ép màu sắc chứa nhiều vitamin không gì sánh bằng.
Mê mẩn món ngon
 Vốn rất thích uống nước ép trái cây tươi nên hầu như ngày nào chị Ngọc Hân (Q.1, TP.HCM) cũng tự pha cho mình 1- 2 ly để dùng trong ngày. Vì thế tủ lạnh nhà chị bao giờ cũng trữ sẵn trái cây, củ quả tươi theo mùa như cà rốt, chanh, bưởi, táo, thơm, xoài. Chưa kể càng ngày chị càng có nhiều cảm hứng trong việc pha chế những loại nước ép thập cẩm nhiều dưỡng chất với các loại rau thơm khác nhau. Chị cho biết một số loại rau nổi tiếng để làm các món thức ép tuyệt vời có thể kể đến như cần tây, rau má, rau mùi ngò, húng quế... Những gia vị này góp mặt trong ly nước ép thập cẩm mang đến cảm giác thưởng thức ngọt ngào và thơm đến từng “tế bào” miệng.
Ép sao cho ngon?
Những loại quả lý tưởng để làm nước ép như: lê, cam, bưởi, chanh dây, kiwi, táo, dứa, dưa hấu, dâu tây.
Để thơm mùi vị, bạn có thể ép thêm cà rốt, rau má, cần tây, củ cải đường, dưa chuột, cà chua làm thành hỗn hợp thức uống.
Tăng vị đặc biệt và mang đến sảng khoái, bạn có thể ép cùng gừng, sả, quế, mật ong, rau húng.
Nước ép ngon là không bị kết tủa, tách nước, ít bã nhỏ lợn cợn và nổi lớp bọt béo trên mặt.
Theo bác sĩ Ngọc Diệp, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, nước ép từ rau củ tươi chứa một lượng lớn thành phần vitamin và khoáng chất quý báu cho cơ thể. Với những người không thích ăn cả bã xác như món sinh tố thì nước ép chính là lựa chọn tốt nhất. Nó cũng phù hợp với trẻ nhỏ và người già yếu nhằm hồi phục sức khỏe, tái tạo năng lượng. Riêng phái đẹp, nước ép hoa quả luôn là thần dược được quý cô yêu thích giúp làn da mượt mà, căng tràn sức sống. Chỉ riêng việc được ngắm nhìn những màu sắc nổi bật như cam của cà rốt, vàng óng của xoài, dứa, đỏ rực của dưa hấu, hay xanh thẳm của nước cần tây, hẳn bạn không thể từ chối lời mời hấp dẫn từ thế giới thức ép tươi mát mang đến.
Ngày xưa, để tạo ra những dòng nước uống ép tươi từ rau củ, người ta không còn cách nào khác là ép tay thủ công và chỉ chọn những loại quả mọng nước dễ ép như cam, quýt, bưởi. Cuộc sống hiện đại không chỉ mang đến những vật dụng nội trợ tối ưu cho người làm bếp mà còn giúp họ thăng hoa trong công việc bếp núc. Những đầu bếp tài ba hay những bà nội trợ kiệt xuất sẽ có thêm nước xốt, súp nóng thơm ngon từ nước ép chanh dây, rau ngò. Người pha chế ở quầy bar sôi động có thêm ý tưởng sáng tạo ra nhiều món cocktail tươi say đắm thực khách. Còn lũ trẻ con sẽ mê mẩn những viên kem thanh dịu chiết xuất từ nước ép tinh chất thơm lừng khó quên.
Trợ thủ đắc lực
Khá phổ biến trên thị trường hiện nay là dòng máy ép vắt ly tâm tốc độ cao. Bạn dễ dàng thấy cấu tạo bộ khung của máy được vận hành từ mâm xay nhiều lưỡi dao và lưới vắt. Nắp máy có khe nhận rau củ, khay hứng nước ép và xả bã. Mâm xay chạy với tốc độ rất cao và cực mạnh nhằm mài nhỏ rau củ, ép nước tinh chất nhờ lực ly tâm.
Tuy nhiên, nhiều người lại chuộng máy ép tốc độ thấp nhờ cho ra nước ép thơm ngon và mịn màng hơn. Trục vít xoắn ốc của máy sẽ đưa rau củ vào lưới lọc và gần như ép nước không tạo ra lực ly tâm mạnh nhờ động cơ giảm tốc. Phần bã được vắt khô và đảm bảo ép nước hết tối đa. Dù đã được rút ngắn công đoạn và thời gian thực hiện nhưng với một số người việc dùng máy ép trái cây khiến họ luôn ngại ngần là khâu vệ sinh. Sau khi ép rau quả xong, bạn phải chùi rửa thật sạch những thiết bị bên trong máy như màng lọc, đồ chứa bã, trụ quay, tách ly... để đảm bảo không còn những vết cặn dơ đóng lại. Đặc biệt là màng lọc. Một số máy có màng lọc dễ dàng rửa sạch bã rau, củ, quả, nhưng một số khác lại trang bị màng lọc có khe nhỏ hơn khiến việc vệ sinh khó khăn. Dù đã cố gắng rửa sạch, nhưng bạn vẫn thấy màng lọc vẫn còn dính lại chất xơ rau củ rất nhỏ. Cách vệ sinh này rất quan trọng, nó sẽ “đánh giá” chất lượng ly nước ép của những lần sau. Nếu không làm sạch kỹ, bạn sẽ dễ ngửi thấy mùi lên men lạ, những vết cặn cũ khiến món thức ép mới của bạn mất ngon. 
.............................................................
Máy ép cũng như máy xay sinh tố được bảo hành từ 1-3 năm. Máy ép trái cây có các bộ phận quan trọng khó mua là mô-tơ, mâm xay, trục vít được bảo hành từ 1-5 năm. Do vậy, bạn nên chọn loại máy có bảo hành các chi tiết này càng lâu càng tốt. Giá bán trên thị trường dao động từ 1 triệu- 3,5 triệu/cái tùy hãng.

Nâng tuổi thọ máy:
Loại bỏ những hạt cứng, dù máy có công suất lớn có thể ép luôn cả hạt nhưng điều này dễ dẫn đến tình trạng kẹt ở bộ lọc, cối ép, lâu ngày gây tắc nghẽn và tạo những cặn bã khó chịu trong thành phẩm.
Nên cắt nhỏ rau củ, hoa quả thành từng miếng và cho vừa đủ một lượng củ quả giúp máy ép dễ dàng hoạt động. Cách này cũng giúp bạn có một ly thức ép thơm ngon hơn.
Những loại quả mềm như chuối, mít, xoài, mãng cầu chỉ thích hợp làm sinh tố, khi ép lấy nước uống, bã mềm dễ kẹt trong bộ lọc, bít các lỗ nhỏ trên màng lưới khiến máy nhanh hư và không cho ra nước ép.
Đôi khi bạn trầm trồ trước những đoạn quảng cáo hấp dẫn trên ti-vi: người ta liên tục cho củ cà rốt, cây cần tây dài rồi thúc máy ép mà không cần cắt nhỏ hay cho máy nghỉ ngơi. Cách đùn ép rau củ quá cách này dễ khiến máy kẹt trong khi bã chưa thoát ra ngoài, gây nghẽn dòng nước ép.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét