Một triết gia Pháp có nói: “ Cả thế giới đang đi tìm sự an ninh và hạnh phúc”
Viện trưởng viện Ðại học Harvard nói: “ Thế gian đang tìm kiếm một tín điều để tin và một bài ca để hát ”
Một tỷ phú ở Texas nói : “ Tôi cứ tưởng rằng tiền bạc sẽ đem lại hạnh phúc. Và tôi là một ví dụ điển hình để nói rằng điều đó không đúng .”
Một tài tử phim ảnh nói : “ Tôi có tiền, tôi đẹp, duyên dáng và nổi tiếng. Ðáng lẽ tôi là một người đàn bà hạnh phúc nhất, nhưng trái lại tôi đau khổ nhất.”
Một lãnh tụ Anh nói : “ Tôi không còn ham muốn sống nữa dù rằng tôi có đủ mọi thứ để sống. Tại sao vậy ?”
Một người đến văn phòng của bác sĩ tâm lý khai biïnh như sau: “ Thưa bác sĩ, tôi sống cô đơn, buồn chán và đau khổ. Bác sĩ có thể giúp tôi vui sống và bình an hay không? Bác sĩ tâm lý đề nghị ông nên đến rạp hát để xem một màn hài kịch của một anh hề trứ danh: “ Tôi tin chắc anh sẽ cười và quên hết mọi sự buồn chán trên đời”. Bệnh nhân chẩm rải, lắc đầu nói rằng: “ Thưa bác sĩ, rất tiếc tên hề trứ danh đó là tôi!”
Trong dịp Tết, người ta thường chúc lành cho nhau. Dầu cho văn hoa thế nào, lời chúc cũng nằm trong ba điều : Phước ,Lộc, Thọ. Và theo thứ tự đó, mọi người nhìn nhận Phước là điều quan trọng nhất.
Trong chương trình phát thanh cuối năm, tôi đề nghị chúng ta nên tìm xem đâu là hạnh phúc thật sự và làm sao có đời sống phước hạnh.
Thi sĩ Cao Bá Quát có hai câu mưỡu :
Tối ba mươi co cẳng đạp thằng bần ra cửa
Sáng mùng một, dang tay bồng ông Phúc vào nhà.
Hai câu này nói lên thực trạng nghèo khổ và tấm lòng mong mỏi được phước hạnh của ông. Tuy cái nghèo cứ đeo đuổi nhưng ông không quan tâm đến sang giàu mà ông ao ước sự phước hạnh của đời người.
Cái phước thông thường được chúng ta quan niệm rất giản dị và đơn sơ:
Người vợ vừa sinh được một đứa con trai – Người ta nói gia đình đó có phước.
Thấy mấy đưa con đều có công ăn việc làm – Người ta nói cha mẹ đó có phước.
Hoặc đơn giản hơn : Miễn con hơn cha là nhà có phước.
Ðược giấy mời đến phỏng vấn để đi Hoa kỳ – Ai ai cũng cho là có phước.
Cưới cô vợ đẹp – Anh ấy có phước.
Và chúng ta biết, những cái phước nói trên không phải hay nói đúng hơn chưa chắc là cái phước thật sự.
Trong thế giới vật chất ngày nay, người ta hối hả đi tìm ngưồn hạnh phúc. Càng đi tìm, người ta càng thấy hạnh phúc thật hiếm hoi. Ðời sống kinh tế càng tốt, sự buồn chán, tự tử càng gia tăng. Hưởng càng nhiều thú vui, càng không thấy thỏa mãn. Cuộc đời như vùng biển đại dương, có vài vũng nước bình lặng nhưng rồi sóng gió sẽ đùng đùng nổi lên. Con người sẽ có những giây phút thỏa lòng nhưng không vững bền, lâu dài. Rồi con người hoài nghi về hạnh phúc: “Phúc bất trùng lai họa vô đơn chí”. Loài người tiếp tục đi tìm. Loài người tranh đua, gạt gẫm, trộm cắp, nói dối chỉ cốt để có hạnh phúc và bình an nhưng vẫn vô vọng.
Quý vị có bao giờ nghĩ rằng: “ Cuộc sống của loài người đáng lẽ phải tốt hơn, không thể nào tồi tệ như vậy không ? ” Quý vị có cảm giác thầm kín trong tâm tư rằng có một nguồn suối hạnh phúc từ nơi nào đó sẽ đổ xuống thế gian này không ? Chúng ta tiếp tục chờ đợi, một nơi nào đó, vào một lúc nào đó nhưng chúng ta chán nãn vì chờ đợi quá lâu. Có lúc chúng ta tưởng rằng chúng ta đã nhận được nguồn phước hạnh đó nhưng rồi nó bay đi và chúng ta tiếp tục đi tìm hạnh phúc.
Tôi đã ăn 26 cái Tết tại quốc gia này. Tôi đã đón 26 cái Xuân trong mùa đông giá lạnh của xứ Hoa kỳ. Trước đây, tôi thường cố gắng xin nghỉ làm để ăn Tết trong khi mọi người chung quanh vẫn thản nhiên đi làm. Tôi sống trong cái gượng gạo đó cố gắng duy trì phong tục, tập quán cổ truyền . Tôi cố gắng hưởng cái Tết của đất nước, của dân tộc tại đất khách quê người trong thời đại , trong hoàn cảnh mà năm và tháng không còn là dấu móc của cuộc sống con người. Bây giờ giai đoạn của 365 ngày không còn là thời điểm quan trọng nữa. Bây giờ là dấu mốc của cái check lương . Hai tuần lễ. Dấu mốc của những bill nợ phải trả. Và, dấu mốc bây giờ là 7 ngày, một tuần lễ. Năm ngày đi làm với hai ngày nghỉ . Thứ hai bắt đầu trong chán nản ê chề, thứ sáu đi làm trong sự vui sướng hả hê vì sắp có hai ngày nghỉ. Cuộc đời cứ như vậy mà trôi cho đến lúc nhìn lại thì tóc đã bạc màu.
Bạch phát thôi niên lão
Thanh dương bức tuế trừ
Vĩnh hoài sầu bất mị
Tùng nguyệt dạ song hư
Ðó là bốn câu cuối trong bài thư Tuế Mộ Quy Nam Sơn, Cuối năm về Nam Sơn của Mạnh Hạo Nhiên thời nhà Ðường, tạm dịch như sau:
Tóc trắng giục mau già trước tuổi
Tiết Xuân chưa dứt được năm tàn
Ngẫm hoài nghĩ mãi, buồn không ngủ
Song vắng, hàng thông đượm ánh vàng
Trong hoàn cảnh đó chúng ta đành tạm vui với cái hạnh phúc tương đối chóng tàn. Và nghĩ rằng : “ngày giờ đâu mà đi tìm cái hạnh phúc bền lâu.”
Tuy nhiên, thưa quý vị, con người là một tạo vật tốt lành của Chúa để nhận mọi phước hạnh thật sự mà Ngài sẽ ban cho.
Thật vậy , có hai thứ hạnh phúc. Hạnh phúc thứ nhất đến với chúng ta khi chúng ta gặp hoàn cảnh tốt, khi chúng ta không gặp khó khăn. Hạnh phúc này mong manh vì khi hoàn cảnh thay đổi, hạnh phúc tan đi như hơi sương buổi sáng dễ tan dưới ánh sáng của mặt trời. Cho nên , chúng ta có hạnh phúc nhưng thâm tâm vẫn không bình an vì biết rằng đó chỉ là tạm bợ. Chỉ nghĩ đến điều đó không thôi, chúng ta đã mất đi một phần hạnh phúc.
Loại hạnh phúc thứ hai là thứ mà chúng ta đang tìm. Nó mang lại sự bình an lâu dài, mang lại sự vui thỏa trong tận đáy lòng chúng ta. Hạnh phúc này chỉ đến từ Thiên Chúa. Ðó là những phước hạnh mà Chúa Jesus mô tả trong bài giảng trên núi . “ Ta nói cho các ngươi những điều đó hầu cho sự vui mừng của ta ở trong các ngươi và sự vui mừng đó của các ngươi được trọn vẹn. (Giăng 15:11)
Trong sách Thi Thiên đoạn 128 :1 của Salô môn , một vì vua Do Thái được các sử gia cho là người khôn ngoan nhất , có ghi hai điều kiện để nhận phước hạnh bền lâu. Ðó là : “Phước cho người nào kính sợ Ðức Giê Hô Va và đi trong đường lối Ngài.”
Ðiều kiện thứ nhất là kính sợ Thiên Chúa, Ðức Giê hô va. Không chấp nhận Ngài là Chúa của mình, làm chủ cuộc sống của mình thì không thể gọi là kính sợ Ðức Chúa Trời. Không đến đền thờ của Ngài để thờ phượng Ngài thì không thể gọi là kính sợ Ngài. Nếu coi những thần khác, coi các hình tượng , coi việc kiếm tiền, coi những thú vui, coi bạn bè, coi gia đình hơn việc thờ phượng Thiên Chúa thì chắc không thể gọi là kính sợ Ngài.
Ðiều kiện thứ hai là đi trong đường lối của Ngài. Nếu chúng ta làm những điều mà Thiên Chúa không muốn thì không thể gọi là đi trong đường lối của Ngài. Nếu chúng ta chỉ hành động theo điều mình ưa thích, thì không chắc mình đi theo đường lối của Ngài. Ðường lối của Chúa được ghi lại trong mười điều răn, và được coi là luật pháp của Ðức Chúa Trời. Chúa Jesus đã gom 10 điều răn thành hai điều : “ Ngươi hãy hết lòng hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa là Ðức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây cũng vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra”
Thưa quý vị
Còn ba ngày nữa là chúng ta tống cựu nghinh tân. Tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới. Chúng ta thường chúc nhau những gì tốt lành nhất, những gì ma øai cũng mong muốn mà người chúc biết rằng chính mình cũng không có khả năng, không có thẩm quyền để ban phát ra. Chúng ta chúc nhau “ Vạn sự như ý ” .
Riêng cá nhân tôi, tôi muốn dùng lời Chúa mà kính chúc quý vị được một năm mới đầy phước hạnh. Làm sao để nhận phước hạnh đó ? Trong Sách Xuất Êdíp tô ký đoạn 20:24B, Môi se có ghi lại lời hứa của Ðức Chúa Trời như sau :
“Phàm nơi nào ghi nhớ danh ta, ta sẽ đến và ban phước cho ngươi tại đó”
Chúng ta may mắn được sống trong một quốc gia biết ghi nhận danh Ngài , biết cầu khẩn đến danh Ngài, biết nhớ đến danh Ngài. Và vì vậy, Chúa đã ban phước cho quốc gia này, trong đó có quý vị và tôi. Tôi muốn nói là chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh rất thuận lợi vì ân phước của Thiên Chúa đang bao quanh chúng ta, thuận tiện cho chúng ta nhận lãnh.
Phàm nơi nào ghi nhớ danh ta, ta sẽ đến và ban phước cho.
Lòng chúng ta có ghi nhớ danh Ngài không? Cuộc sống chúng ta có ghi nhớ danh Ngài hay không? Gia đình chúng ta có ghi nhớ danh Ngài hay không?
Quý vị biết phải làm sao để có phước hạnh bền lâu.
Lần nữa, kính chúc quý vị một năm đầy phước hạnh thiêng liêng trong Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét